LAN MAN CHUYỆN BÃO- 1
Gần trưa 2.8, bão số 5 đã tràn vào đất liền.
Không biết ở những nơi bão trực tiếp ập vào thì thế nào, còn ở Hà Nội chỉ thấy mưa thôi, gió không đáng kể. Dưới nền trời xám nhờ nhờ, màn mưa dăng dăng không dứt. Thứ Bảy mà như thế này thì còn gì chán hơn. Ngồi nghĩ lan man lại nhớ những ngày bão xưa8->.
Cứ như lý luận của các nhà khoa học về biến đổi khí hậu thì bão càng ngày càng to hơn, dữ dội hơn và khó lường hơn… Ấy nhưng với tôi thì hình như ngược lạ: Bão bây giờ không thể to và dữ dội hơn bão ngày xưa. Cũng không dám khẳng định bởi dù sao đó cũng chỉ là nhận xét cảm tính chủ quan mà thôi. Cũng có thể do bây giờ nhà cửa xây dựng vững chắc hơn ngày xưa nên cái sự hoành hành của bão không như ngày xưa nữa.
Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ- những năm đầu 60, cái phố Ngái mấy chục nóc nhà mà chỉ có 2 ngôi nhà xây, còn lại toàn là nhà tường đất- có nhà thì đắp tường, có nhà thì trát trãy (nhứng), mái thì lợp rạ. Hai cái nhà xây thì một cái là nhà Phòng thuế- tức Trạm thu thuế của huyện, cái thứ hai là nhà cụ Trưởng cạnh nhà tôi. Chẳng biết cụ làm nghề gì mà thuộc loại giàu có nhất phố. Cụ có những ba vợ và gần chục người con. Người con lớn của cụ tôi phải gọi bằng bác. Mấy người ở giữa chừng tôi gọi là cô chú. Còn mấy đứa nhỏ nhất lại gọi tôi bằng anh. Ngôi nhà xây có vẻ cục mịch, thô tháp nhưng mái bằng cẩn thận, phía trước là một tấm tường trên đắp nổi quả địa cầu và con số 1955. Tuy nhiên, chắc là do hồi ấy bê tông chưa phổ biến nên cái mái bằng được “sang” bằng gạch- trên đỉnh tường người ta gác hàng loạt dầm gỗ rồi “lát” gạch lên đó. Trông nó từa tựa một cái pháo đài hết sức vững chãi. Nhà tôi, dù cũng được coi là khá giả song cũng chỉ có 3 gian nhà tường trát trẫy lợp rạ, được cái bộ cột kèo, rui mè tương đối chuẩn. Ấy thế nhưng mỗi khi bão về là lo lắng lắm, nói gì đến những cái “lều” của mấy nhà chuyên đi lấy củi về bán đong gạo ăn hàng ngày ở cuối phố.
Thời ấy cũng chẳng có ti- vi với đài đóm nhiều nên làm gì có hàng chục bản tin Dự báo thời tiết mỗi ngày như bây giờ. Tất cả chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền đời của dân chúng mà thôi. Có những kinh nghiệm dễ nhớ mà đến cả những đứa trẻ 6-7 tuổi như tôi cũng đã thuộc và thường nghêu ngao: “Ráng vàng (mỡ gà) thì gió, ráng đỏ (mỡ chó) thì mưa” mỗi khi nhìn chân trời vàng rực hay đỏ gắt đến rợn người. Nếu hôm ấy có ráng đỏ, lại có hàng đàn chuồn chuồn ở đâu bay về cứ là là mặt ruộng, mặt hồ và hàng đàn kiến đen rồng rắn chen nhau cõng những cái trứng trắng như hạt tấm chạy vội chạy vàng lên cột nhà hay cây bàng trước cửa thì chắc chắn sắp có một trận mưa như trút. Còn nếu là ráng vàng mà trời lại oi nồng oi nực thì chắc chắn là có bão to. Những lúc ấy, ông nội tôi cởi trần, quần lá tọa buông trễ nải phe phẩy cái quạt nan lẩm bẩm: “Trời tích gió đấy! Rồi bão to phải biết”. Tôi hỏi: “Tích gió là thế nào?” thì ông cười hiền hậu: “Tích là để dành, để trữ lại. Khi nào bão về mới tung ra”. Ra là vậy! Thế rồi tôi cứ tưởng tượng ra tít trên cao kia có một ông Trời đang hỳ hục túm từng ngọn gió một nhốt vào cái túi càn khôn đeo bên mình để dành lại và để cho thế gian nồng nực thế này. Chỉ vậy thôi mà chính xác ra phết! Chả bù cho bây giờ quân tướng ngành KT-TV đông như quân Nguyên với bao nhiêu trang thiết bị hiện đại mà nhiều khi dự báo sai be, sai bét để cho dân chúng chửi cho suốt ngày. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Đó là một cái nghề hết sức khó khăn và không bao giờ có thể chính xác tuyệt đối được. Tôi có một anh bạn là sếp ở ngành ấy nên tôi biết. Người ta vẫn nói: “Đỏng đảnh như thời tiết” mà. Nó đang đi theo hướng bắc. Đùng một cái nó ngoặt sang đông. Nếu theo quy luật nó sẽ xoáy xuống phía nam thì đùng một cái nó lại quặt về bắc chẳng hạn. Và chính cái sự đỏng đảnh ấy mà thày trò hắn đau đầu, nhức óc và đã nhiều lần lên bờ, xuống ruộng trước búa rìu dư luận. Hắn vẫn phàn nàn: “Dự báo đúng chẳng thấy ai khen nhưng chỉ sai một tý là ăn chửi ngập đầu”. Còn lão Khoèo thì suốt ngày bôi bác: “Mày cứ dự báo đêm không nắng, ngày có mưa vài nơi tao đảm bảo chính xác 100%”. Cả lũ lại lăn ra cười. Khổ, làm dâu trăm họ nó khó thế đấyX_X!
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành!