Tui đây không là nhà khoa bảng, không tính làm khảo cứu nên những gì ghi ra chỉ là ngẫm long bong từ các bài viết trên nên ý tứ không theo bài, viết không trình tự, thậm chí không dính dáng tới nên tự kêu bằng là:
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận thiên tào, Ngọc Hoàng phán hỏi
“Đứa nào đốt rơm?”
...
ngẫm 1
Bấy lâu nay thầy chú mình cứ hỏi nhau sao hiện thực nước mình lớn mà mình hông có tác phẩm văn học nào lớn, xứng tầm?Ừ thì mỗi người một ý, thậm chí có người, không biết có phải tự an ủi, nói là nhà văn lớn có mấy vị trên đời, rằng chính trên nền bình bình đó rồi thời gian sẽ sáng lên một kiệt tác, vụt lên một văn hào cự phách. Hỏi là hỏi nhau, tự trả lời mà tự người nào chấp nhận lấy câu trả lời của riêng mình. Cuối cùng là hỏi, hỏi, hỏi hoài vậy hà.Những cũng có thầy chú lớn tiếng biểu tầm bậy, sao tự ti, làm nhục quốc thể tới vậy? Nói là nói vậy chớ có kể ra được cuốn truyện nào được ngoại nhân biết tới đâu nè. Nhìn quanh đây thôi cũng thấy dân Giao Chỉ ta thua nhiều người mà mình hay chê “thấp bé” như người Chàm, người Bana (ví dụ vậy về thể loại sử thi),hay người Khme (như qua chuyện Riêm kê). Mà nào chỉ trong thơ văn mà nhiều cái khác cũng vậy, ví dụ ông Tại Chí Đại Trường còn chỉ ra là cái gọi là cung điện vua nước Nam thời Đinh, tiền Lê hay Lý hông cao, bự, tráng lệ gì, chỉ hơn mấy cái đình mình thấy bi giờ nhiều nhiều thôi(?). Dòm lại gia tài mình có thấy cái gì bự thiệt bự? Chắc chỉ có bánh chưng, bánh tét ghi-nết thôi hà. À, có cái đường hầm dài nhất ĐNÁ bị rỉ nước trước khi dìm xuống đáy sông (ô hô!).
Thử nhìn lại vài ba tác phẩm lớn xứ người thì thấy có một điểm chung là từ một hiện thực nào đó, bất luận lớn như chiến tranh Nga-Pháp đầu thế kỷ 19(1) hay chuyện tưởng tượng lạc giữa sa mạc do máy bay hư của một anh chàng phi công(2) thì tính khái quát của câu chuyện rất cao. Nội dung của câu chuyện không chỉ “vẽ”, “thuật” các diễn biến, nhân vật mà đằng sau đó là số phận của cả dân tộc, là kiếp phận Người. Cái đằng sau đó thiệt ra không có biên giới điạ lý chật hẹp, không chỉ có ở riêng một màu da dù bối cảnh câu chuyện quanh một vùng đất có tên, con người trong đó rất lịch sử. Phải chăng cái không làm nên tác phẩm lớn của người Giao Chỉ là do yếu tư duy tư biện, không tạo ra được một nền tảng tư tưởng riêng của dân tộc (chưa cần có một hệ tư tưởng riêng vì có mấy dân tộc trên đời nầy tạo ra được một hệ tư tưởng riêng như Tàu, Ấn, Pháp hay Đức?)? Không có óc tư biện nên khó mà tư duy có tính tổng hợp rộng và khái quát cao, không có một nền tảng tư tưởng độc lập nên không nắm được tinh thần dân tộc, không nhận chân được hình dáng con Người. Nè, từ hồi xứ mình kề vai với xứ người tới giờ mấy chục năm rồi nào có ai thuyết được bản sắc người nước Nam là gì không? Chỉ bàn lang bang đôi ngàn chữ trong một bài báo là cụt. Ngay cả cái khái niệm bản sắc dân tộc là gì còn chưa biết ai đúng ai sai. Mà, Tây, Tàu, Nhựt nào giờ có bàn vậy như Giao Chỉ ta không há?
Ôi chao!
Trở lại truyện Kiều. Vậy truyện nước Nam ta có truyện nào có trảlời được mấy câu hỏi trên kia hông? Bởi vậy tui đây thấy Phạm tiên sinh thiệt thà dám nói về gia tài nghèo nàn của gióng dòng Tiên Long vào cái thời kỳ lịch sử tế nhị và nhạy cảm đó. Nhưng rồi tui đây cũng tiếc cho tiên sinh. Truyện Kiều đúng là truyện hay nhứt nước Nam ta, nhưng rồi nội dung nó cũng nhỏ xíu xịu xìu xiu thôi hà.
Thôi, mình dở thì chịu dở, chớ là con ếch của ông La Fontaine (3) mà mắc cở thêm nhiều lần, hay ho chi, hén bạn mình.
-----------
- Ý nói Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi.
- Ý chỉ Hoàng tử bé của Saint-Exupéry.
- La Fontaine, văn hào Pháp, có truyện ngụ ngôn rằng, có con ếch nọ thấy mình quá nhỏ so với con bò nên nó cố phình bụng ra cho bự lên, nó bự thiệt nhưng được bao nhiêu so với bò thì... Bùm!
*
ngẫm 2
Đọc lại Phạm Quỳnh thằng tui đây cứ giật cái mình cà bộp, cà bộp.
Tiên sinh quả là người tài cao học rộng. Trăm năm trước mà tiên sinh ngộ ra nhiều điều mà giờ tui vẫn còn ngu (đúng là dân ngu lâu)!
Thiệt là thú vị khi tiên sinh nhận ra những Racine, Bossuet nước Lang Sa tuy hay thật là hay nhưng nào có kẻ mấy hạ dân xưa biết tới, có con gà trống thất học nào ngâm nga hay lẫy Racine với Bossuet hồi đó? Xứ Tây chỉ có kinh Thánh mới “phổ thông”, mà kinh Thánh là của người Do Thái, mà Kinh Thánh là cho hết thẩy con chiên của Chúa trời nên không so được với Kiều nước Nam đâu. Từ cái thú vị nầy dẫn tui tới một thú vị khác, đó là cái sự văn hóa khác của Đông với Tây. Đông thì sự phân chia nầy nhạt nhòa, bác học và bình dân có sự giao hòa nào đó. Sáng tạo của bậc thức giả cũng được người vô chữ mân mê, sáng tạo của kẻ thảo dân cũng được ngâm nga trong nhà thức giả. Tui không kể các trường ca hay sử thi của các tộc người không có chữ viết mà ở c ác tộc người có quá trình phát triển mà trong đó tồn tại hai dòngvăn hóa bình dân và bác học. Ví dụ người Khme với chuyện Riêm Kê (rương Riêm Kê). Tuy là sử thi được sáng tác lại trên cơ sở sử thi Ramayana của Ấn độ và được ghi thành văn bản với văn phong trao chuốc, ngôn ngữ bống bẩy và được xem là đỉnh cao của văn hóa, văn học Khme nhưng Riêm Kê thâm nhập rất sâu vào đời sống dân tộc Khme, ai cũng biết, cũng thích. Riêm kê được kể nhau nghe trong nhà như là chuyện bà kể cháu nghe. Riêm Kê được dựng thành nhạc kịch Là-khôn và diễn trong cung đình, diễn trong rạp hát thời nay (tức đượng đại, tôi không dùng từ hiện đại vì dể bị hiểu là rạp hát tân kỳ về kiến trúc và kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, v.v.), diễn trong chùa-phum xốc dịp lể hội. Riêng chổ nầy, truyện Kiều ta sóng đôi với rương Riêm Kê à đa.
Đúng là không có nền văn hóa nào cao hơn nền văn hóa nào, chỉ có các nền văn hóa khác nhau theo các đặc trưng của mình.