Đường lên đèo và xuống không theo bình độ, mà lên thẳng, xuống thẳng. Có đôi đoạn được xẻ bậc, hai bên có tay vịn. Nhưng bậc quá hẹp, đường đất, nên nếu gặp mưa dầm sẽ rất trơn; đi lại nhiều, lầy lội là cầm chắc.
Đến trạm 15 - dưới chân đèo; chúng tôi tạm dừng lộ trình kiểm tra "đường dây" giao liên. Tôi nói với Trưởng phòng giao liên và hai trạm trưởng, pha chút hài hước:
- Ngày hôm nay chúng ta làm Tôn Ngộ Không, nhưng không hoá phép được. Nếu các cung đường đèo, dốc khác cũng giống thế này, thì chúng ta có tội lớn với bộ đội, cán bộ qua tuyến.
Làm việc với trạm 15 giao liên, về tình hình hoạt động của địch, tôi được trạm trưởng báo cáo:
- Máy bay địch ít oanh tạc, trừ trường hợp bộ đội hành quân bị lộ - thường ở những quãng đường trống. Cung tiếp theo đã hai lần bị máy bay địch oanh kích khi bộ đội đi trong "đường kín", nhưng do biệt kích chỉ điểm. Công việc thường xuyên của trạm là nguỵ trang kịp thời những quãng trống và cảnh giác với biệt kích, thám báo.
Tôi hỏi:
- Ở đây đi vác gạo xa hay gần?
- Báo cáo, khoảng 12 cây số. Biên chế của trạm ít, nhưng "khách" thường rất đông. Vì vậy việc gùi gạo phải làm cả đêm lẫn ngày mới kịp.
Về vấn đề này, tôi nói với đồng chí Đoàn Lược cần nghiên cứu làm đường cho loại ô tô vận tải chiến lược, dùng ô tô chở lương thực về trạm, giảm lượng mang vác cho bộ đội hành quân trên chặng đường dài trên 1.500 cây số. Trạm nào có điều kiện cần làm ngay.
Mở sáng hôm sau, cả đoàn lại lục tục lên đường. Theo hướng dẫn của mấy cán bộ công binh, thông tin, chúng tôi đi tắt sang phía tây đường giao liên, thẳng tới chỗ bộ đội thông tin đang thi công đường dây tải ba, cách sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 18 cây số.
Đường khá bằng phẳng, râm mát, nên chúng tôi cố đi thật nhanh. Gần trưa, đoàn nghỉ ăn cơm trên bờ một con suối lớn chảy ra sông Xê Băng Hiên. Cơm nước xong, đồng chí kỹ sư công binh trải bản đồ, xác định từ chỗ đang ngồi, tới nơi bộ đội thông tin lắp đặt dường dây và từ đó về tới sở chỉ huy Bộ Tư lệnh. Để kịp thị sát công việc của bộ đội thông tin và về sở chỉ huy trong buổi tối hôm đó chúng tôi phải đi thật nhanh, phải tính từng khắc.
Chính "ngọ", chúng tôi tới "công trường" đường dây của bộ đội thông tin. Phụ trách trực tiếp ở đây là Phó chủ nhiệm thông tin Hoàng Đình Quý - một cán bộ có trình độ chuyên môn vững, năng nổ. Anh đón chúng tôi và hướng dẫn kiểm tra một quãng gồm năm cột. Vòng về lán chỉ huy dã chiến, Hoàng Đình Quý báo cáo:
- Theo lệnh của Tư lệnh, bước một, chúng tôi đang cho hoàn tất khảo sát, thiết kế, đồng thời kết hợp thi công đường dây trần tải ba theo một dường thẳng từ Binh trạm 1 ở Xiêng Phan đến đường 9 - dài 160 cây số. Từ kinh nghiệm thi công chặng đầu, sang năm chúng tôi tiếp tục kéo dài cho tới khi hoàn tất tuyến tây Trường Sơn đến ngã ba biên giới, với tổng chiều dài hơn 800 cây số.
- Tại sao chỉ đến đó? - Tôi hỏi.
- Chúng tôi tính sơ bộ - Hoàng Đình Quý trả lời - chúng ta chỉ có thể thi công trong mùa khô, chỉ 800 cây số cũng phải làm đến năm 1969 mới xong.
- Đồng chí là một nhân vật tích cực, phải tính theo cấp số nhân chứ.
- Báo cáo, nếu Tư lệnh cho đầy đủ điều kiện, chúng tôi sẽ tính khác.
- Tất nhiên - Tôi trả lời - về nhà chúng ta sẽ tính kỹ để kiến nghị lên Bộ. Nhưng đồng chí nên nhớ từ khu vực ba biên giới rẽ sang Tây Nguyên, nối vào tuyến đông Trường Sơn, kéo vào Bù Gia Mập (nay là Bình Phước) còn hơn 500 cây số nữa. Như vậy chiều dài tuyến đường dây phải là 1.350 cây. Sau đó, chúng ta phải tính đến cả tuyến đông Trường Sơn, đến Khu 5. Đối với tuyến tây Trường Sơn, bước đầu các đồng chí làm được như vậy là tốt rồi.
Hoàng Đình Quý nói:
- Báo cáo Tư lệnh, để bảo đảm chất lượng và an toàn đường dây, chúng tôi vừa phải giữ cây để nguỵ trang, vừa thường xuyên tỉa cành cắt lá, làm sạch dưới cột, để đi tuần. Cứ cách ba cột, có một công sự cá nhân. Ở đó có dự trừ một ít dây và dụng cụ. Địch đánh hỏng ở đâu, chúng tôi sẽ sửa chữa ngay đó.
Tôi gợi ý anh em lính thông tin nên lợi dụng thân cây to làm cột vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm độ vững chãi và kín đáo, địch khó phát hiện.
Chia tay những người lính thông tin năng động và quả cảm, chúng tôi chúc anh em thắng lợi; không quên tặng một ít thuốc lá, thuốc lào và hai chai thuốc trị rắn cắn.
Hoàng Đình Quý không giấu được tâm trạng hồ hởi, liền nói:
- Mấy hôm nữa, Tư lệnh sẽ thấy được kết quả cụ thể qua trạm cơ vụ gần sở chỉ huy Bộ Tư lệnh.
Tôi nắm chặt tay anh, đầy tin tưởng.